SQUID GAME - khi "trò con nít" quyết định mạng sống của bạn
- Thu Hiền Vũ
- Sep 21, 2021
- 8 min read
Updated: Dec 28, 2022
"Squid game" là một series Kdrama cực kì ấn tượng trên Netflix trong thời gian gần đây, bộ phim đã hô biến những trò chơi con nít của trẻ em Hàn Quốc trở thành một chiến trường sống còn mà bắt buộc người chơi phải thắng nếu muốn được tự do và trở về bên cạnh người thân với số tiền thưởng siêu khủng.

1. Tóm tắt bộ phim bom tấn "Squid game"
Ngay từ những cảnh đầu tiên, bộ phim đã cho người xem thấy được tình trạng tệ hại và hoàn cảnh vô cùng túng quẫn của nhân vật chính - Gi Hun khi anh ta đòi hỏi từng đồng bạc từ người mẹ già, vướng vào vòng đỏ đen của việc cá cược, ly hôn vợ và luôn phải chạy trốn chủ nợ. Đến một ngày, anh ta nhận được lời mời tham gia một trò chơi và có thể kiếm được rất nhiều tiền. Ban đầu, Gi Hun vẫn còn chần chừ nghi ngờ, nhưng sau cùng vì sự khó khăn của thực tại, anh đã chấp nhận lời mời tham gia. Trò chơi không chỉ có mỗi Gi Hun mà tổng cộng có tới 456 người chơi và anh cũng chính là người thứ 456. Tại đây, anh tình cờ gặp được người em Sang cho woo - người được mệnh danh là người giỏi nhất phường Ssangmun với tấm bằng cử nhân kinh tế Đại Học Seoul, thêm nữa Jihoon còn làm quen được với Il-man - một ông lão mang một khối u ác tính trong đầu và Ali - người Pakistan với gương mặt khắc khổ. Qua lời của những tên lính đeo mặt nạ với biểu tượng tròn - tam giác - vuông, người chơi cần phải trải qua 6 trò chơi, tiền thưởng sẽ được công bố sau vòng chơi đầu tiên và trò chơi sẽ không được thông báo trước để đảm bảo tính công bằng. Ban đầu, mọi người hoài nghi về những gì mình vừa nghe nhưng cuối cùng tất cả đều đồng ý tham gia. Trò đầu tiên là trò "đèn xanh đèn đỏ" một trò chơi của con nít, những tưởng trò chơi chẳng có gì làm khó người tham gia nhưng ngay khi họ biết rằng những người bị "loại" trong luật chơi đồng nghĩa với việc bị bắn chết, tất cả bắt đầu hoảng loạn tìm đường thoái lui nhưng có vẻ như mọi thứ đã quá muộn. Liệu ai sẽ là người thành công vượt qua cả 6 vòng chơi và dành chiến thắng? Liệu có pha "bẻ lái" nào sau đó hay không? Hãy xem phim để có thể trả lời được tất thảy những băn khoăn đó nha!

2. Mình nghĩ gì về bộ phim?
Về chủ đề:
Ý tưởng đưa người chơi đến một không gian và bắt buộc họ phải sinh tồn bằng cách vượt qua thử thách không phải là một ý tưởng quá mới lạ bởi ta từng bắt gặp chúng trong bộ phim Nhật "Alice in Borderland" - cuộc chiến đẫm máu trong thế giới không lối thoát hay bộ phim bom tấn quốc dân - "The Hunger games" - phim viễn tưởng về cuộc chiến sinh tồn cực kì ăn khách. Điểm đặc biệt ở "Squid game" nằm ở sự hô biến khiến những trò chơi tuổi thơ vốn trong sáng vui tươi trở thành trò chơi sinh mệnh có thể khiến bạn mất mạng bất cứ lúc nào.
Xây dựng nhân vật:
Trong đa số những bộ phim Hàn mà mình từng xem, mình vẫn luôn ấn tượng và hài lòng với cách xây dựng nhân vật mang câu chuyện hoặc hoàn cảnh cá nhân trước đó để sau này có thể lý giải cho những hành động, suy nghĩ và cảm xúc. Trong "Squid game", tuyến nhân vật được xây dựng có chiều sâu khi mỗi nhân vật đều có tình cảnh và nỗi thống khổ riêng và mỗi nhân vật đều là đại diện cho một kiểu người khác nhau trong xã hội nhưng đều chung tình cảnh bần cùng, túng quẫn. Đây cũng chính là nhân tố quyết định dòng chảy tâm lý, suy nghĩ và hành động của các nhân vật.
→ Nhân vật Gi Hun là đại diện cho những người đàn ông thiếu lập trường trong cuộc sống, không đủ năng lực về tài chính, đánh cược cả cuộc đời vào những con ngựa ở đường đua và ăn bám mẹ. Sự vô tư thiện lành vốn có của Gi Hun đã bị cuộc đời vùi dập không thương tiếc để anh trở thành kẻ thất bại, tên tiểu tiện đê hèn trong mắt người khác.

→ Nhân vật Sang woo là hình mẫu tiêu biểu của những "nhà đầu tư" sụp đổ bởi chính lòng tham và ham muốn tiền bạc của mình . Chính những ảo vọng đó đã khiến họ liều lĩnh cuốn theo những dòng đầu tư bất hợp pháp hoặc mang rủi ro cao để rồi phải nhận lấy hậu quả là núi nợ 6 tỷ won không thể trả.

→ Nhân vật Kang Sae Byeok và Ali là đại diện cho những người chấp nhận rời bỏ đất nước, mang trên mình giấc mơ về một miền đất hứa, liều lĩnh chạy trốn để nhập cư trái phép hay chấp nhận lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Họ là những con người luôn phải trốn tránh pháp luật, cảnh sát và chính vì lẽ ấy, nếu họ ra đi cũng sẽ chẳng ai biết.
Về những âm thanh hay những bản nhạc được sử dụng trong phim.
Mình không có chuyên môn về mặt âm nhạc cũng như cách sử dụng âm thanh và nhạc nền trong phim. Thứ mình có ấn tượng nhất có lẽ là việc nhà làm phim sử dụng phần cao trào của nhạc cổ điển cho phân cảnh khi 3 người chơi cuối cùng được thưởng thức bữa ăn thịnh soạn và kết thúc bữa ăn, thay vì dọn hết toàn bộ dụng cụ ăn thì những người lính áo đỏ lại để lại cho mỗi người chơi 1 con dao. Thêm nữa, việc sử dụng âm thanh du dương của bài "Fly me to the moon" cũng làm gia tăng phần nghi kị cho phân đoạn người thủ lĩnh trở nên ám ảnh khi giết chính em trai của mình. 2 bản âm hưởng này vốn mang nét trong sáng và êm đềm lại được đạo diễn sử dụng cho những phân cảnh khiến người ta sởn gai ốc nhất càng khiến cho sự ghê rợn và gay cấn đạt tới đỉnh điểm.
Một chút về phần hình ảnh trong phim.
So với những bộ phim khác đến từ xứ sở Kim Chi, "Squid game" cũng không hề kém cạnh những bộ phim đi trước với khoản đầu tư công phu về mặt hình ảnh và hơn thế nữa, "Squid game" còn táo bạo hơn khi đã không do dự bộc lộ những phân cảnh trần trụi và tàn nhẫn nhất.
Trong phim có lẽ có một vài phân cảnh mang hàm ý ẩn dụ (theo cá nhân mình). Ấn tượng nhất là hình ảnh mê cung với những bậc thang và vòng xoáy vô tận như không có điểm dừng có sự tương quan với chính cuộc sống không lối thoát của những người chơi - những người mang gánh nợ hàng trăm triệu won trên người và không có khả năng để chi trả, họ luẩn quẩn với vòng tuần hoàn của sự nợ nần, của cuộc sống như địa ngục không có lối thoát nơi trần thế.

Kết cấu đầu cuối tương ứng được sử dụng trong phim khi mở đầu là những thước phim đen trắng chiếu cảnh lũ trẻ chơi trò "con mực" và đến cuối là hình ảnh khi trò chơi con mực trở thành chiến trường một sống một còn. Nhưng trong phân cảnh này, mình chưa thực sự hiểu được hàm ý của đạo diễn.
"Squid game" mùa 1 phản ánh giá trị gì?
"Squid game" phản ánh hình ảnh của một xã hội tàn nhẫn và sự phân chia giai cấp một cách sâu sắc. Nếu sự tương phản giữa khoang đầu tàu và khoang đuôi tàu trong "Snowpiercer" hay hình ảnh đối lập giữa căn biệt thự "sang-xịn-mịn" của nhà Park và căn hộ bán hầm ẩm thấp nhà Kim trong "Parasite" của đạo diễn Bong Joon Ho cho thấy sự phân cấp bất công giữa người giàu và người nghèo thì với "Squid game" sự phân chia giai cấp này được thể hiện rõ nét khi người giàu chỉ coi những người nghèo như những "chú ngựa trên đường đua" để phục vụ cho việc giải trí và cá cược của họ và thậm trí tệ hơn những con ngựa, những người nghèo phải chết nếu trở thành những "quân cờ bị đá" trong ván cờ của người giàu.
"Squid game" còn cho thấy sự thật ngang trái rằng chính cuộc sống bần cùng đã dẫn con người ta đến bản năng sinh tồn, bắt buộc con người phải liều mạng, và thậm trí xóa nhòa ranh giới đạo đức nếu muốn tồn tại. Điểm sáng giá hơn nữa của "Squid game" nằm ở chỗ người chơi không bị ép buộc tham gia bởi bất kỳ ai, mà chính cuộc sống thực tại tựa địa ngục đã khiến họ tự nguyên dấn thân vào cuộc chơi với ước muốn đổi đời nhờ vào số tiền thưởng 45 tỷ won. Đó chính là cái hố liều lĩnh đến chết người mà chính họ đã tự tạo ra cho bản thân mình. Không chỉ dừng lại ở sự liều mạng, càng đến những vòng sau, bản năng sinh tồn và phần "con" trỗi dậy khiến nhiều người bất chấp thủ đoạn, triệt hạ đối phương để sống sót.
Tập phim khiến mình khóc sướt mướt phải kể đến tập 6, khi giá trị tình bạn và sự hy sinh trở thành tia sáng le lói làm giảm bớt mức độ tàn nhẫn trong toàn bộ phim. Mặc dù chỉ xuất hiện trong chốc lát nhưng sự hy sinh của cô bé Ji Yeong để nhường "tấm vé" đi tiếp cho Sae Byeok vì cô biết rằng Sae Byeok còn có lý do để ra khỏi đây, để đoàn tụ cùng mẹ và em trai khiến mình đau lòng vô cùng. Bởi có lẽ, một cô bé như Ji Yeong không xứng đáng cho kết cục bi thương như vậy. Một phân cảnh đắt giá khác cũng lấy đi không ít nước mắt của người xem có lẽ là phân cảnh bác già mang số thứ tự 001 nhường lại quyền đi tiếp cho nhân vật chính Gi Hun của chúng ta.

3. Lời kết:
Đạo diễn Hwang Dong Huyk khi trả lời phỏng vấn kênh YTN có tiết lộ rằng: "I wanted to make a survival drama that was the most Korean" (dịch bởi Soompi trong bài báo của NME) thì mình tin rằng, mong muốn của vị đạo diễn đã thành hiện thực khi bộ phim thành công ngoài sức mong đợi, mang đậm màu sắc Hàn Quốc và cũng là một trong những bộ phim về sự sinh tồn hay nhất nhì trong lòng mình.
Bonus:
Một vài câu thoại mình tâm đắc trong phim:
"Con người tin nhau vốn không phải vì họ đáng tin, không tin sẽ không có chỗ dựa nên mới đành tin thôi."
"Bọn rác rưởi mà anh gọi là đồng đội ấy, anh tin bọn họ thật à? Nếu tôi là bọn họ, khi tắt đèn và bạo loạn tôi sẽ cố giết anh đầu tiên vì anh là người mạnh nhất."
"Ra ngoài kia bắt đầu từ đáy xã hội, rồi ôm cảm giác tội lỗi vớ vẩn sống đến hết đời sao, các người có đủ tự tin làm điều đó không?"
"Khởi đầu và kết thúc, vị trí không ai muốn rơi vào."
"Bản năng của động vật, khi đối mặt với nỗi sợ, chúng cố trốn giữa bầy đàn."
"Cậu có biết người không có tiền và người có quá nhiều tiền giống nhau ở điểm nào không? Đó là cuộc sống... không có niềm vui."
Commentaires