"Chiến binh cầu vồng" và ước mơ mang ánh sáng của tri thức tới các em nhỏ khó khăn.
- Thu Hiền Vũ
- Aug 20, 2021
- 7 min read
Updated: Dec 28, 2022
1. “Chiến binh cầu vồng” nói về điều gì?
Cuốn sách kể về những đứa trẻ nghèo trên một hòn đảo thuộc đất nước Indonesia, chúng cùng người cô và người thầy kính mến của mình đứng lên đấu tranh và dành quyền được đi học hết lần này đến lần khác. Xuyên suốt câu chuyện còn kể về những kỷ niệm thời thơ ấu vô cùng đẹp đẽ của bọn trẻ: từ mối tình đầu đời đến những trò chơi, những lần thám hiểm của cả bọn.
2. Nhận xét tổng quát về điểm hay và chưa hay của cuốn sách (theo cá nhân mình).
- Điểm hay:
Nêu ra những vấn đề nóng bậc nhất ở một đất nước Đông Nam Á - Indonesia.
Cách kể chuyện lôi cuốn, cách miêu tả công phu, chi tiết nhưng dễ hiểu và cực kỳ sáng tạo khiến không gian của vùng đất nghèo Belitong hiện rõ mồn một trước mắt người đọc. Thậm trí độc giả còn có thể tưởng tượng ra cả con đường, bản đồ vệ tinh của ngôi làng đó.
Tình huống chuyện đa dạng, rất gần gũi, có thể chính người đọc đã từng trải qua hoặc nghe kể về những điều tương tự (thường là từ thế hệ X,Y). Nhưng cách khai thác tình huống vốn tưởng chừng giản dị đó lại hay vô cùng, mỗi chương, là một câu chuyện có đầy đủ mở đầu, cao trào và kết thúc
Cách nhìn và tư duy hợp lý khi tác giả đứng dưới tư cách một đứa trẻ để kể lại câu chuyện thời thơ ấu của chính mình. Cảm xúc của nhân vật kể chuyện không chỉ được thể hiện trực tiếp qua các tính từ miêu tả tâm lý mà còn được thể hiện qua hành động hay suy nghĩ của các nhân vật.
Liên kết giữa các sự việc với nhau rất tài tình. Những tưởng từng chương sẽ kể về những câu chuyện khác nhau như tản văn nhưng càng đọc về sau lại thấy được sự liên kết vô cùng chặt chẽ. "À thì ra cái kết của chương 3 lại là khởi nguồn của các sự việc ở chương 5.”
Về dịch: Dịch giả dùng từ ngữ dễ hiểu, câu văn gọn ý, nhiều từ ngữ được Việt hóa nhưng không làm mất thông điệp gốc mà tác giả muốn gửi đến người đọc.
- Điểm còn thiếu sót:
Đôi chỗ mất đi cái nhìn ngây thơ trẻ con của nhân vật. Đặc biệt là khi nhân vật nói về các vấn đề vĩ mô hơn hay vấn đề tham nhũng,..
Có vài đoạn hơi dài dòng và không cần thiết, bỏ đoạn đấy đi câu chuyện vẫn xảy ra và người đọc vẫn có thể hiểu trọn vẹn thông điệp tác giả mang lại.
Về dịch: Có những đoạn có từ ngữ chuyên ngành gây khó hiểu hoặc có những đoạn người dịch giữ nguyên từ gốc trong tác phẩm nhưng lại không chú thích rõ ràng về từ đó. Nhưng cũng không sao vì người đọc vẫn hiểu hàm ý cuối cùng của tác giả người Indonesia.
3. Những bài học, thông điệp nhận được từ cuốn sách:
Sự kiên trì đấu tranh đến cùng và sự bản lĩnh, dám đứng lên đòi lại công bằng từ cô Mus.
Hết chướng ngại này đến chướng ngại khác bị chinh phục bởi người phụ nữ trẻ tuổi gầy gò có vẻ yếu đuối. Nhưng hãy nhìn mà xem, cô mạnh mẽ biết bao nhiêu.
Định mệnh xoay vần từ Mahar.
Như Mahar nói, định mệnh xoay vần. Cô Mus đang trong tình cảnh giống như lúc cô đợi đứa thứ mười ngày đầu tiên chúng tôi vào lớp một.
Sự chăm chỉ và quyết tâm theo đuổi đến cùng cũng như tinh thần lạc quan từ Lintang.
"Tao sẽ không làm cha mẹ mình thất vọng, Igkal à. Họ muốn tao tiếp tục đi học. Tụi mình phải biết ước mơ cao đẹp, Boi, và học là con đường để chúng ta đi đến những ước mơ ấy. Đừng bỏ cuộc, Boi. Đừng bỏ cuộc."
Bài học về tình yêu của Igkal hay chính là tác giả.
Nếu có bất kỳ điều gì trên thế giới này không bao giờ có đủ thì đó là tình yêu.
Sự tận tâm, không bao giờ từ bỏ và tấm lòng bao la của thầy Harfan
Thầy Harfan không bao giờ từ bỏ nỗ lực thuyết phục chúng tôi đến trường. Thậm trí thầy còn mang sách ra ngoài khơi. Thầy tìm chúng tôi trên sông nơi chúng tôi đang xảm thuyền. Thầy đợi chúng tôi bên dưới những cây tiêu.
Sự cống hiến và cho đi hết mình của thầy Harfan
Thầy còn ho ra cả máu, chúng tôi thường phải nhắc thầy nghỉ ngơi. "Không lên lớp thì thầy còn mệt hơn ấy chứ," thầy luôn bảo thế. "Và nếu thầy có chết, thầy sẽ chết tại ngôi trường này".
4. Thực trạng mà cuốn sách đã vạch trần.
Sự bất công và đối lập là 2 vấn đề được thể hiện rõ ràng nhất trong cuốn sách này.
Bất công được thể hiện ở: việc người Belitong bị bóc lột trên chính mảnh đất quê hương, những đứa trẻ không được hường quyền lợi chính đáng của con người - quyền đi học, những đứa trẻ thông minh như Lintang cuối cùng lại trở thành lính đánh xe thuê, gia đình một người nuôi 14 miệng ăn nhà Lintang, người ta chỉ giúp đỡ nếu họ được hưởng lợi,...
Đối lập được thể hiện sâu sắc.
Điền trang với những tòa lâu đài kiên cố được thiết kế theo phong cách Victoria đối lập hoàn toàn với khu ổ chuột bẩn thỉu và ẩm thấp của cu li.
Trường PN với dàn học sinh sáng sủa, quần áo trắng tinh ngày ngày được đưa đi đón về bằng những chiếc xe buýt màu xanh và được thừa hưởng cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại khác xa với trường làng Muhamadiyah chỉ trực chờ một cơn gió mạnh là có thể đổ ngay tức khắc, học sinh đều là những gia đình hộ nghèo phải thuyết phục mãi bố mẹ chúng mới cho đi học. Đứa nào cũng đến trường trong bộ dạng lấm lem, áo thiếu cúc, không có dép để đi.
Kho tàng thiếc đồ sộ dưới lòng đất trường Muhamadiyah như một thế giới khác, biệt lập với ngôi trường đổ nát bên trên.
Ngoài ra, ta còn không khỏi xót xa trước nhận thức sai lệch của những người dân nghèo về việc đi học:
“Giáo dục mau chóng trở thành một nỗ lực vô ích đối với những đứa trẻ bị mắc kẹt trong cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo chẳng mấy hi vọng được cắp sách tới trường và phải cật lực vì cái ăn cái mặc hàng ngày dưới sự phân biệt đối xử.”
Hoặc nếu họ biết rằng học là con đường để thoát khỏi cái nghèo thì họ cũng khó lòng mà cho con cái ăn học tử tế được bởi họ còn chẳng có tiền ăn huống chi tiền học cho con.
Họ mang nỗi thống khổ ấy trong lòng từ thế hệ này đến thế hệ khác. Họ nuốt nỗi đắng cay về những ước mơ tương lai không bao giờ thành, những mối ngờ vực về việc học của con cái họ. Nỗi thống khổ của những nghèo khó ấy chẳng bao giờ đến được tai ai, chẳng bao giờ thành mối bận tâm của những người giàu có hoặc chính quyền.
5. Hình tượng các nhân vật trong truyện
- Nhân vật có nét tương đồng giống mình nhất là Mahar. Marha, một cậu bé sáng tạo, sự sáng tạo của cậu không giới hạn. Marha dám chơi trên bất kỳ nền nhạc nào, dù không có điều kiện, cơ sở vật chất đầy đủ nhưng không có nghĩa Mahar mất đi sự sáng tạo đó. Cậu ấy mang trong mình dòng chảy nghệ thuật và luôn tin tưởng vào chính mình, không ai có thể hủy diệt niềm tin ấy. Và đó là mình, mình nhận thấy bản thân đủ sáng tạo và trong bất kì hoàn cảnh nào sự sáng tạo vẫn được phát huy và biến tấu để phù hợp với hoàn cảnh đó.
- Con người mà mình muốn trở thành là hình mẫu người Thầy Harfan - người thầy tận tâm, tận tụy với ngôi trường, với ước mơ giúp những đứa trẻ Mã Lai nghèo được tiếp cận với ánh sáng của tri thức, nền văn minh của nhân loại. Dù có phải trèo đèo, lội suối, đạp xe hàng chục cây số hay chèo thuyền ra giữa biển để thuyết phục những đứa trẻ rằng: "Chỉ có học thức mới giúp được các em thoát khỏi cái nghèo và ánh sáng của tri thức giúp tâm hồn các em được thanh thản.".
Mình cũng mong muốn bản thân có thể giúp đỡ được những em nhỏ ở những vùng sâu vùng xa của Việt Nam, những em nhỏ đang chịu sự bất công khi không được đến trường hay phải lấy chồng hoặc đi làm phụ giúp gia đình từ rất sớm. Mình muốn đến những vùng đó, mang lại nhận thức đúng đắn và giúp các em nhỏ có thể đến trường.
Với ước mơ đó mình đã gửi gắm chúng vào dự án Socialet mùa 3. Chúng mình mong muốn có thể giúp cả trẻ em ở cả 2 nơi, ở cả thành phố lẫn những vùng nghèo khó.
Ở thành phố, chúng mình muốn giúp các em nhỏ hiểu rõ hơn về vấn đề bạo lực học đường và các vấn đề tâm lý khác của tuổi học sinh để giúp các em biết cách ứng phó nếu rơi vào tình huống tương tự. Với số tiền dạy học chúng kiếm được ở Thành Phố, chúng mình sẽ dùng nó để mua sách vở, quà bánh cho các em nhỏ ở những vùng khó khăn hơn.
Sau khi hoàn thành được tâm nguyện đó mình sẽ update trên trang blog của mình.
Viết và ảnh bởi tui.
コメント